Có thể nói, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sau tròn 3 năm đi vào cuộc sống đã hỗ trợ đắc lực người lao động (NLĐ) trong hoàn cảnh mất việc. Tuy nhiên, từ chính sách đến cơ chế vận hành sau một thời gian thực hiện đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, bất cập. Bất cập nhất có lẽ nằm ở việc chỉ mới hỗ trợ NLĐ bằng khoản tiền mà chưa quan tâm đến cái gốc của vấn đề, đó là giúp NLĐ mất việc tái hòa nhập thị trường lao động.
Dạy nghề, hỗ trợ việc làm mới không hiệu quả
Cùng với việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, thì tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề được coi một nhiệm vụ quan trọng của chính sách BHTN, giúp người lao động nhanh chóng tái hòa nhập lại thị trường lao động. Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương cho thấy cho thấy, sau ba năm thực hiện, người lao động khi thất nghiệp mới chỉ quan tâm đến việc nhận được bao nhiêu tiền trợ cấp, chứ chưa thực sự quan tâm đến cái gốc của chính sách là hỗ trợ học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm mới, nên hiệu quả của công tác này quá thấp.
Thống kê tại tỉnh Bình Dương, một tỉnh có số người đăng ký thất nghiệp chiếm hơn 20% số người đăng ký thất nghiệp cả nước, từ tháng 1-2010 đến tháng 4-2012 có 95.875 người được hưởng chế độ thất nghiệp chỉ có 11 người được hỗ trợ học nghề. Số tiền hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp là 12,6 triệu đồng, một con số quá nhỏ so với 339 tỷ đồng cho việc chi trả trợ cấp thất nghiệp của địa phương. Tương tự tại TP. Hồ Chí Minh, tình trạng NLĐ nhận được khoản tiền trợ cấp BHTN lớn hơn rất nhiều số được hỗ trợ tạo việc làm mới cũng rất rõ rệt. Theo thống kê, năm 2011 TP Hồ Chí Minh có 89.950 lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chỉ có… 32 người đề nghị được học nghề và 334 người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Tại Đà Nẵng, con số này thấp đến mức đáng ngạc nhiên. Sau ba năm thực hiện luật BHTN chỉ có 4 trường hợp đăng ký học nghề… Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, kinh phí chi trả cho chính sách BHTN mới chủ yếu là chi trả trợ cấp thất nghiệp. Số người học nghề chiếm tỉ lệ rất thấp và chưa hiệu quả. Năm 2010, chỉ có 0,04% số người và 0,04% số tiền được chi cho học nghề, tỉ lệ này sang năm 2011 cũng chỉ nhích lên 0,11% và 0,04%...
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương mà nguyên nhân chủ yếu của nó là mức hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp theo quy định hiện nay là quá thấp, tối đa 300 nghìn đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ học nghề ngắn; danh mục ngành nghề đào tạo còn đơn giản, không đa dạng nên không thu hút được người lao động tham gia… Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ,TB và XH) cho biết, có rất nhiều lý do khiến NLĐ không mặn mà với việc các ngành chức năng giúp họ tìm một việc làm mới. Ngoài nguyên nhân mức hỗ trợ quá thấp có một nguyên nhân khác, đó là, người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, trong khi nhu cầu lao động phổ thông ở nước ta rất lớn nên người lao động dễ tìm lại được việc làm sau khi mất việc. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông, dù người lao động có qua đào tạo họ cũng chỉ trả lương theo vị trí công việc của lao động phổ thông. Như, Công ty Canon Việt Nam mỗi năm tuyển hơn một vạn lao động, sau khi tuyển lao động được đào tạo một tuần và trả lương như nhau, không phân biệt người đã qua đào tạo hay chưa?
Tạo việc làm sau thất nghiệp - giải pháp mang tính chiến lược
Tại hội nghị sơ kết 3 năm luật BHTN đi vào cuộc sống, Bộ LĐ TB&XH cho biết, nhiều NLĐ chỉ đến cơ quan bảo hiểm để nhận khoản tiền hỗ trợ thất nghiệp mà quên mất những khoản hỗ trợ khác ngoài trợ cấp bằng tiền?
Chị Nguyễn Thị Hoài, một công nhân làm việc cho Công ty Canon Việt Nam (thời gian trước đây) cho biết: Số doanh nghiệp giải thể, phá sản, tạm dừng hoạt động... đang nóng lên kéo theo sự khó khăn của NLĐ đó là thực tế đang diễn ra. Doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất cũng đồng nghĩa với việc thu hẹp nhân sự. Chị và nhiều lao động khác đã từng đăng ký, chờ đợi được hỗ trợ tìm việc làm mới nhưng tới nay chị vẫn phải đợi. Có lẽ đó là lý do chính khiến NLĐ phải chủ động tìm việc làm mới chứ không thể trông chờ ỉ lại vào ai.
Về vấn đề hỗ trợ giúp NLĐ tìm việc làm mới, ông Lê Quang Trung cho biết: Bộ LĐTB&XH vừa gửi công văn tới các tỉnh với hai mục đích: yêu cầu báo cáo tình hình sử dụng lao động, lao động mất việc và yêu cầu các tỉnh thực hiện đúng các chế độ với lao động mất việc như: trả trợ cấp thôi việc mất việc, bảo hiểm thất nghiệp... Công văn này yêu cầu các địa phương tăng cường dạy nghề, tạo việc làm... cho lao động mất việc. Bộ cũng đã yêu cầu các địa phương ưu tiên cho người lao động bị mất việc được vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm, để tự tạo việc làm cho mình. Quỹ quốc gia về việc làm cũng sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay để tạo thêm việc làm mới, thay vì tập trung vào cho vay theo hộ gia đình.
Trong trường hợp NLĐ bị mất việc cần được hỗ trợ, Bộ LĐTB&XH cần tham mưu để Chính phủ đưa ra các chính sách như: Vay tiền trả lương, hỗ trợ lãi suất... đặc biệt nhanh chóng giúp họ tìm được việc làm ổn định lâu dài. Có làm được như vậy chính sách BHTN mới làm tròn nhiệm vụ của mình đó là đồng hành cùng NLĐ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn của NLĐ.
Nguồn: molisa.gov.vn