Thứ trưởng bộ Lao động – thương binh và xã hội Nguyễn Ngọc Phi, cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 695.000 người, xuất khẩu lao động khoảng 39.000 người (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011).
Nền kinh tế của những thị trường lao động truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như: Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn tăng trưởng; thị trường Trung Đông phục hồi trở lại và đang có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn lao động. Do đó, cơ hội cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong sáu tháng cuối năm và những năm tới đang rộng mở.
Cơ hội cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong sáu tháng cuối năm và những năm tới đang rộng mở. Ảnh: LĐO
|
Ngoài ra, tình hình Libya tiếp tục đi vào ổn định, cuộc sống của người dân đã trở lại bình thường, một số nước như Thái Lan, Philippines và Bangladesh đã đưa lao động trở lại làm việc tại thị trường này. Do vậy, việc thí điểm đưa lao động trở lại Libya làm việc đang được các doanh nghiệp xuất khẩu lao động xúc tiến thực hiện.
Song, ông Phi cho rằng, điều mà các doanh nghiệp nước ngoài vẫn e ngại là ý thức chấp hành kỷ luật lao động, tuân thủ hợp đồng và pháp luật của một bộ phận không nhỏ lao động Việt Nam trong thời gian làm việc ở nước ngoài còn yếu. Tại nhiều doanh nghiệp, hiện tượng bỏ hợp đồng, trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp, hoặc hết hạn hợp đồng không về nước, là khá nghiêm trọng ở một số thị trường: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Hơn nữa, chất lượng hoạt động của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế. Doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả tương đối cao mới chiếm khoảng 30% tổng số doanh nghiệp.
Những hạn chế của nhiều doanh nghiệp biểu hiện trên các hoạt động về: đàm phán, lựa chọn và ký kết hợp đồng, tuyển chọn lao động; về chất lượng đào tạo giáo dục định hướng; về quản lý và xử lý kịp thời những phát sinh vướng mắc của người lao động ở nước ngoài; về tính chuyên nghiệp, chính quy trong hoạt động của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong quản trị doanh nghiệp và trong hợp tác giữa các doanh nghiệp đồng nghiệp với nhau.
Nhằm hạn chế những bất cập trên, lãnh đạo ngành lao động cho hay, từ nay đến cuối năm sẽ triển khai việc đấu thầu, hoặc giao chỉ tiêu và kinh phí dạy nghề cho các trường có năng lực đào tạo tốt nhất nhằm đào tạo đón đầu, tạo nguồn lao động với những nghề mà thị trường cần. Bộ Lao động – thương binh và xã hội cũng yêu cầu mỗi doanh nghiệp xuất khẩu lao động hợp tác với một số trường nghề (kể cả trường đại học). Ngược lại, mỗi trường nghề hợp tác với một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động để tư vấn, tuyển chọn, tạo điều kiện cho số học sinh có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động được tham gia tuyển chọn. Trong trường hợp cần thiết, có thể bổ túc thêm về nghề, ngoại ngữ cho các ứng viên theo yêu cầu của đối tác nước ngoài.
Nguồn:http://sgtt.vn