Theo báo cáo của Trung tâm GTVL tỉnh Hà Giang, tính đến hết quý I/2012 tổng số doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh Hà Giang tham gia BHTN là 926 đơn vị, với 30.299 số lao động tham gia, số tiền đã thu là gần 4 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2011 đã tăng 32 đơn vị, số người tham gia BHTN tăng 216 người.
Có được kết quả trên là nhờ có sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của ngành Lao động – TBXH và trực tiếp là Trung tâm GTVL, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh; sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong vấn đề tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tổ chức thu, nộp BHTN. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2012 số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN là 93 người; số người chuyển từ các địa phương khác đến là 42 người; số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp theo quyết định là 545.955.000đ; số người được tư vấn, GTVL là 269 người.
Trung tâm giới thiệu việc làm đã bố trí kiện toàn bộ máy làm công tác BHTN tại Trung tâm và các văn phòng tiếp nhận tại các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Yên Minh. Thường xuyên cử cán bộ tham gia tập huấn nghiệp vụ BHTN do Cục việc làm tổ chức. Do đó, việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký hưởng BHTN luôn đảm bảm kịp thời không có hồ sơ tồn đọng, công tác chi trả trợ cấp BHTN hàng tháng của Bảo hiểm xã hội cơ bản đáp ứng cho người lao động.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách BHTN cũng còn một số tồn tại, vướng mắc như: việc hoàn thiện hồ sơ, chốt sổ BHTN, thời gian đóng nộp BHTN cho người lao động của các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp còn chậm; nhận thức của người lao động về chính sách BHTN còn hạn chế (nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc); mức trợ cấp học nghề thấp, không khuyến khích người thất nghiệp tham gia học nghề; việc chi trả trợ cấp thất nghiệp của BHXH còn chậm...
Để khắc phục tồn tại, vướng mắc trong quá trình giải quyết chính sách BHTN Trung tâm đã chủ động đề ra những phương hướng và giải pháp thực hiện cụ thể như: đẩy mạnh công tác tuyển truyền trên các phương tiện thông tin địa chúng (đài PTTH, báo Hà Giang, trang thông tin điện tử của Trung tâm...). Nhất là công tác tuyên truyền, tập huấn tại các huyện, xã, thị trấn. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH để tháo gỡ, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện chi trả trợ cấp BHTN cũng như chi tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề... Với những giải pháp cụ thể như vậy chắc chắn công tác giải quyết chế độ chính sách BHTN trên địa bàn tỉnh Hà Giang sẽ ngày càng hiệu quả, đảm bảo đúng quyền lợi của người lao động khi bị thất nghiệp.
NGỌC DUY