Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), từ ngày 1/9 tới, Cục sẽ bắt đầu nhận hồ sơ các ứng viên đăng ký tuyển chọn tham gia chương trình sang Nhật Bản làm điều dưỡng viên, hộ lý.
Nếu trúng tuyển, lao động Việt Nam sang làm việc ở lĩnh vực này sẽ được trả lương bằng hoặc hơn mức lương của người Nhật làm công việc tương đương tại cùng cơ sở tiếp nhận. Cụ thể, lương trả cho lao động làm điều dưỡng từ 130.000 - 140.000 yên/tháng (tương đương 34 - 37 triệu đồng/tháng); lao động làm hộ lý sẽ được trả 140.000 - 150.000 yên/tháng (tương đương 37 - 40 triệu đồng/tháng). Mức lương có sự khác biệt tùy thuộc vào cơ sở tiếp nhận. Ngoài ra, lao động còn được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.
Thời hạn hợp đồng làm việc là 4 năm đối với ứng viên ứng tuyển làm hộ lý, 3 năm đối với ứng viên ứng tuyển làm điều dưỡng. Trong quá trình làm, lao động có thể học thêm để tham gia thi Chứng chỉ quốc gia đối với điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép làm việc dài hạn tại quốc gia này.
“Đây là cơ hội để các điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam được huấn luyện trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, nâng cao trình độ của bản thân trong thời gian làm việc tại Nhật Bản cũng như có thể sử dụng những kiến thức, kinh nghiệm hữu ích học tập được khi trở về làm việc trong nước”, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định.
Mặc dù cơ hội nghề nghiệp này dành cho những người không quá 35 tuổi tuy nhiên, để có thể “lọt” được vào vòng sơ tuyển cũng không hề dễ dàng. Nhật Bản được biết đến là một trong những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới về dịch vụ y tế nên phía bạn đòi hỏi rất cao về trình độ và ý thức của lao động nước ngoài tham gia lĩnh vực này. Các tiêu chí tuyển chọn vì thế cũng rất khắt khe.
Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc là một nội dung của Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản. Bộ LĐ-TB&XH (mà trực tiếp là Cục Quản lý lao động ngoài nước) được Thủ tướng Chính phủ giao là đơn vị đầu mối thực hiện chương trình này. Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo: Đây là cơ hội công việc với mức lương rất hấp dẫn nên các đối tượng “cò mồi” có thể lợi dụng để lừa người lao động. Vì vậy, lao động nên trực tiếp liên lạc với cơ quan này để tìm hiểu thông tin và nộp hồ sơ. Địa chỉ: Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) Địa chỉ: số 41B, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội Điện thoại: 04.38249517 (số máy lẻ 511, 513)
|
Cụ thể: Đối với ứng viên hộ lý, yêu cầu người ứng tuyển phải tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng đa khoa (3 năm) hoặc đại học điều dưỡng đa khoa (4 năm); đủ điều kiện về sức khỏe do cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận; không có tiền án, tiền sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam; có nguyện vọng được tham gia chương trình và có thể tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật. Đối với ứng viên điều dưỡng, ngoài việc đáp ứng những điều kiện đối với ứng viên hộ lý, còn phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm điều dưỡng và được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh thách thức về điều kiện dự tuyển, chương trình còn đòi hỏi người lao động tham gia phải có cam kết cao trong quá trình học tập và làm việc. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, nếu các ứng viên đã qua vòng sơ tuyển (đáp ứng được các tiêu chí ban đầu về chuyên môn), sẽ phải tham gia vào một khóa học tiếng Nhật kéo dài trong vòng 1 năm do Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Chính phủ Nhật Bản tổ chức, dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2012.
Nguồn:http://baotintuc.vn